Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy thu hút đầu tư của Pháp vào Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19”

Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy thu hút đầu tư của Pháp vào Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19”

Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy thu hút đầu tư của Pháp vào Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19”

Ngày 28/9/2020 diễn ra hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy thu hút đầu tư của Pháp vào Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19”, được tổ chức, phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Nghiệp đoàn giới chủ Pháp MEDEF International.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn giới chủ Pháp MEDEF International, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Pháp Francois CORBIN chủ trì.

Tham dự hội nghị, phía Việt Nam, có sự tham dự của Đại sứ nước CHXHCN tại CH Pháp Nguyễn Thiệp, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, …cùng đại diện của rất nhiều Sở, ban ngành trong cả nước. Đặc biệt, về phía Pháp, có sự tham dự của Đại sứ CH Pháp tại Việt Nam Nicolas WARNERY, đại diện của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp MEDEF International, các Bộ châu Âu và Ngoại giao, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp. Diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xu hướng tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt Chính phủ Pháp đang triển khai mạnh mẽ kế hoạch phục hồi kinh tế, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp Pháp vượt qua những khó khăn của cuộc đại dịch COVID-19, hội nghị đã thu hút sự quan tâm đông đảo của hơn 50 tập đoàn, công ty lớn của Pháp, thành viên của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF) đại diện cho tất cả các lĩnh vực kinh tế của Pháp như Tập đoàn Total, Tập đoàn ADP Ingenierie, EGIS, MICHELIN, NAVAL Group, Societe General, SNCF, RATP....

Phát biểu tại phiên họp WEBINAIRE, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: “Nhờ có các giải pháp chủ động và hiệu quả trong việc phòng chống COVID-19, Việt Nam vẫn bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế. GDP 06 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, dự kiến GDP năm 2020 tăng 4,1%. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững. Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn để dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các quốc gia lớn trên thế giới, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng trong đó sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và các chính sách, hành lang pháp lý được xây dựng, sửa đổi và từng bước hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,..là những nội dung cốt lõi, tạo nên mức tín nhiệm quốc gia và lòng tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

Thứ trưởng cho rằng: “Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược năm 2013. Việt Nam là nước ASEAN thứ hai (sau Singapore) và nước đang phát triển đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU. Chiến lược hợp tác Đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời gian tới sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn giới chủ Pháp MEDEF International Francois CORBIN đánh giá: “Một số lượng rất lớn các Tập đoàn  và doanh nghiệp tham dự hội nghị là minh chứng rõ nét và tốt nhất về sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Pháp hay Việt Nam. Mối quan tâm này là chính đáng bởi những đặc điểm nội tại của Việt Nam:

            - Việt Nam nằm ở trung tâm của ASEAN và đây là khu vực hứa hẹn nhất trên thế giới trong vài năm tới.             - Việt Nam trong vài năm đã thực hiện các bước đi mở cửa và cải cách dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng đáng khích lệ. Điều đáng chú ý là Việt Nam có thể sẽ giữ tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của Covid đến các hoạt động kinh tế. Những đặc điểm nội tại này khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho mọi phản ảnh về quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á...”

Đồng chí Nguyễn Thiệp, Đại sứ nước ta nhấn mạnh: Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, thương mại quốc tế bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, hai hiệp định EVFTA và EVIPA có ý nghĩa vô cùng to lớn, là một thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam và EU, thể hiện sự gắn bó và quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-EU. Đại sứ nhấn mạnh việc Pháp được công nhận là Đối tác phát triển của ASEAN tại Hội Nghị AMM-53 vừa qua là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Pháp - ASEAN và Pháp - Việt Nam. Đại sứ đã nêu lên những lợi ích do EVIPA đem lại cho các nhà đầu tư Pháp tại VN trong thời gian tới và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Pháp thúc đẩy, ủng hộ việc thông qua EVFTA tại Quốc hội Pháp và các nước thành viên EU.

Tại Hội nghị, Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trình bày bài tham luận: “Môi trường, chính sách và định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài ở Việt Nam”, trong đó đánh giá và cung cấp thông tin sơ bộ về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 09 tháng đầu năm 2020 chịu khá nhiều ảnh hưởng do tác động của COVID-19, cụ thể: « Vốn đầu tư thực hiện đạt 13,76 tỷ USD (giảm 3,2% so với cùng kỳ), mức độ giảm có chiều hướng đang giảm dần so với các tháng đầu năm. Tổng vốn đăng ký, cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần là 21,2 tỷ USD (giảm 18,9%), trong đó: (i) Xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài: kể cả dầu thô giảm 4,5% (113,3 tỷ USD); không kể dầu thô giảm 4,3% (112,2 tỷ USD). Giá trị góp vốn, mua cổ phần: giảm 51,8% (4,93 tỷ USD). Bên cạnh đó, điểm tích cực là vốn điều chỉnh có tỷ lệ tăng 6,8% (5,1 tỷ USD), tỷ lệ xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài góp phần bù đắp phần nhập siêu của khu vực trong nước ».

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh : « Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh. Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn,..Đặc biệt, để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh quy trình tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh là tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là Tổ phó thường trực để tập trung tháo gỡ những nút thắt về đầu tư, thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao,… »

Trong không khí cởi mở và thẳng thắn, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện các cơ quan ban ngành đã trực tiếp trả lời xúc tích, đầy đủ, các câu hỏi mà các doanh nghiệp Pháp nêu, đặc biệt những dự án mà phía Pháp quan tâm như các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các dự án mới về năng lượng, các sản phẩm nông nghiệp xanh, hạ tầng sân bay, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ...

Kết thúc hội nghị, hai đồng chủ trì nhất trí cuộc họp đã diễn ra thành công, bổ ích đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của các doanh nghiệp Pháp đặt ra. Hai bên mong muốn duy trì, trao đổi nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp trong lĩnh vực kinh tế về đầu tư, thương mại. Việc tổ chức hội nghị trực tuyến, lần đầu tiên thực hiện dịch song hành, cho phép tiết kiệm thời gian tối đa, đạt hiệu quả cao, khẳng định mong muốn của hai bên Việt Nam và Pháp duy trì trao đổi đối thoại thường xuyên trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Các doanh nghiệp, tập đoàn Pháp bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh các Hiệp định EVFTA, Hiệp định IVIPA đã được ký kết, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách. Cùng với đó là những tín hiệu tốt về tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương hai nước không ngừng gia tăng; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước cũng đang ngày một phát triển tích cực./.

adminbaochi

Close