Cuộc họp của Ban điều phối Chương trình khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (SEARP - OECD)

Cuộc họp của Ban điều phối Chương trình khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (SEARP - OECD)

Cuộc họp của Ban điều phối Chương trình khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (SEARP – OECD)

Ngày 13/5/2022, Ban điều phối Chương trình khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (SEARP - OECD) đã nhóm họp cấp Đại sứ để lên kế hoạch triển khai các hoạt động của SEARP trong năm 2022 và trong cả giai đoạn 3 (nhiệm kỳ 2022-2025) do Việt Nam và Úc làm đồng chủ tịch.
Tham dự cuộc họp, ngoài Đại sứ Việt Nam Đinh Toàn Thắng và ĐS Brendan Pearson, Trưởng Phái đoàn Úc tại OECD, hai nước đồng Chủ tịch SEARP nhiệm kỳ 2022-2025, ông Alexander Bohmer, Trưởng Bộ phận Nam và Đông Nam Á thuộc Ban Quan hệ toàn cầu – OECD còn có sự tham gia của hai cựu đồng Chủ tịch SEARP nhiệm kỳ trước là Hàn Quốc và Thái Lan cùng với các khách mời đối tác là Nhật Bản, Đức, Anh, Canada và Indonexia. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi Việt Nam và Úc nhận bàn giao nhiệm vụ đồng Chủ tịch tháng 02/2022 từ Hàn Quốc và Thái Lan.
Ban điều phối Chương trình SEARP đã trình bày về 3 mục tiêu của nhiệm kỳ 2022-2025 là hồi phục kinh tế sau đại dịch, cải cách kinh tế và tiến gần đến các tiêu chuẩn OECD cùng với các định hướng ưu tiên là phục hồi phát triển xanh và bền vững, chuyển đổi số, mở cửa thị trường và đầu tư và phục hồi khu vực tư nhân.
Trước mắt, trong năm 2022, Ban điều phối Chương trình dự kiến tổ chức Diễn đàn kinh tế Khu vực và Diễn đàn kinh tế cấp Bộ trưởng giữa Việt Nam và OECD trong hai ngày 26-27/9/2022 tại Hà Nội nhằm chia sẻ về các giải pháp, cách làm hay của các quốc gia nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng như thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế trung và dài hạn của Đông Nam Á cũng như những biện pháp hỗ trợ của OECD và khu vực tư nhân nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Cuộc họp diễn ra trong không khí cởi mở, trao đổi thẳng thắn và tập trung vào giải pháp tăng cường hiệu quả Chương trình SEARP và thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa OECD và các thành viên Chương trình.
OECD là đối tác quan trọng của Việt Nam về tư vấn, hỗ trợ chính sách. Trong giai đoạn 2014 - 2021, OECD đã thực hiện 15 báo cáo đánh giá chính sách cho Việt Nam, trong đó có các báo cáo tiêu biểu được tham khảo, sử dụng trong công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như Báo cáo Quốc gia Đa chiều (MDCR), Báo cáo Chính sách đầu tư và Tài chính năng lượng sạch... Tháng 11/2021, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giai đoạn 2022 - 2026, tạo khuôn khổ hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Đông Nam Á hiện là một trong những trọng tâm trong chiến lược vươn ra toàn cầu của OECD. SEARP là một trong 6 Chương trình khu vực được OECD được thành lập từ năm 2014 nhằm hỗ trợ cải cách chính sách, hội nhập tại khu vực, thúc đẩy đối thoại, trao đổi thực tiễn tốt giữa OECD với các nước Đông Nam Á. Chương trình được xây dựng xung quanh 6 Mạng lưới chính sách khu vực, 4 Sáng kiến, cùng Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ của OECD.

chinhtribt

Close