Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam: Bước tiến mới trong quan hệ Việt - Pháp
Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam: Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược | |
Bước tiến mới trong hợp tác quốc phòng Việt, Pháp |
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe lần này diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Pháp, đồng thời cũng là kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Đây cũng là chuyến thăm cấp cao thứ hai giữa hai nước trong năm 2018, tiếp nối chuyến thăm Pháp thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 3 năm nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Pháp Edouard Philipe, tháng 3/2018. (Nguồn: hanslucas.com). |
Cùng định hướng phát triển tương lai
Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD (tính từ năm 1993). Việt Nam là một trong số ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Đến nay, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam và cho vay ưu đãi tổng số 2,2 tỷ Euro. |
Theo ông Đinh Toàn Thắng, Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao, trọng tâm trao đổi giữa hai Thủ tướng sẽ hướng tới đưa quan hệ hợp tác, nhất là những nội hàm của Đối tác Chiến lược Việt – Pháp đi vào chiều sâu và được thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ trao đổi về những định hướng phát triển hợp tác song phương và phối hợp trên các diễn đàn đa phương.
Pháp là đối tác quan trọng của Việt Nam. Ông Thắng cho biết, thời kỳ bao vây cấm vận, Pháp là một trong những nước đi đầu giúp đỡ Việt Nam, từ đó, ươm mầm cho quá trình hợp tác được triển khai mạnh mẽ cùng với quá trình Việt Nam đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.
“Quan hệ Việt – Pháp đang có những bước khởi sắc mới, có thể nhận biết qua những trao đổi cấp cao giữa hai bên, hợp tác trên các lĩnh vực, hợp tác bộ ngành, địa phương. Đồng thời, nước Pháp dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron cũng quan tâm, mong muốn triển khai hiệu quả, năng động hơn chính sách đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam hoan nghênh sự triển khai này của Pháp và mong muốn quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Pháp phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương”, ông Thắng chia sẻ.
Đặc biệt, trong lịch trình 3 ngày tại Việt Nam, Thủ tướng Édouard Philippe sẽ đi thăm Điện Biên Phủ. Vụ trưởng Đinh Toàn Thắng đánh giá đây là một hoạt động rất đáng hoan nghênh, dân tộc Việt Nam luôn có tinh thần khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, lịch sử quan hệ Việt – Pháp có những giai đoạn thăng trầm nhưng cả hai dân tộc đều chia sẻ nguyện vọng hòa bình, hợp tác và thịnh vượng để đồng hành nhìn về phía trước.
Thúc đẩy kinh tế
Ông Thắng chia sẻ, kinh tế - một trọng tâm trong hợp tác trong Đối tác chiến lược Việt – Pháp sẽ được các lãnh đạo đề cập nhiều trong chuyến thăm.
Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Italy). Năm 2017, trao đổi thương mại hai chiều đạt 4,6 tỷ USD (tăng 11,6% so với năm 2016), trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 3,35 tỷ USD (chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm, sứ, mây, tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử).
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,27 tỷ USD (chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, hóa chất và mỹ phẩm). Trao đổi thương mại hai nước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2,3 tỷ USD.
Về đầu tư, năm 2017, Pháp đứng thứ 3 trong các nước EU(sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 512 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đạt 2,8 tỷ USD.
Mở rộng ra nhiều lĩnh vực
Ngoài ra, theo ông Thắng, hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, y tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ… cũng sẽ là những nội dung trao đổi giữa hai bên.
Từ đầu những năm 1980, hợp tác giáo dục, đào tạo Việt Nam-Pháp đã hình thành và phát triển. Pháp luôn coi giáo dục, đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hợp tác tại Việt Nam. Hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo như: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam, dự án thành lập hai Trung tâm Đại học Pháp tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Viện tin học Pháp ngữ (IFI).
Song song với đó, giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng phát triển, điển hình là thông qua các hoạt động của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, Viện Trao đổi văn hóa Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện…
Hợp tác địa phương cũng là một chủ đề quan trọng mà lãnh đạo hai nước mong muốn có những bước phát triển mạnh mẽ, thiết thực hơn. Vụ trưởng Thắng khẳng định, đây là mảng hợp tác có bề dày phát triển và có thể coi là một đặc thù trong quan hệ hai nước với sự tham dự của gần 50 tỉnh thành và địa phương khác nhau. Năm 2016, Hội nghị hợp tác địa phương lần thứ 10 Việt – Pháp đã được tổ chức tại Cần Thơ. Sắp tới, tháng 4/2019, Hội nghị hợp tác địa phương lần thứ 11 sẽ được tổ chức tại thành phố Toulouse của Pháp.
Vụ trưởng Đinh Toàn Thắng: “Vừa qua, trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới châu Âu, quan hệ giữa Việt Nam với EU cũng đã có những bước tiến quan trọng, trong đó nổi bật nhất là việc Ủy ban châu Âu quyết định trình lên Hội đồng châu Âu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để tiến tới ký chính thức giữa hai bên. Việt Nam mong muốn Pháp với tư cách là nước có vai trò và tiếng nói trong EU, luôn ủng hộ sự phát triển quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và EU, ủng hộ việc sớm ký, phê chuẩn EVFTA, nhằm hiện thực hóa tất cả những lợi ích mà hiệp định này mang lại cho các nước thành viên EU, cho Việt Nam cũng như quan hệ Việt - Pháp”. |