Tất niên cùng các gia đình Việt kiều tại Pháp

Tất niên cùng các gia đình Việt kiều tại Pháp

Tất niên cùng các gia đình Việt kiều tại Pháp

Những ngày cận kề Tết Canh Tý 2020. Dù sống xa quê hương, không có được bầu không khí, hương vị ngày Tết ấm cúng như ở quê nhà, nhưng tấm lòng kiều bào tại thành phố Blois (Pháp) luôn hướng về Tổ quốc, gia đình với những tình cảm, mong ước tốt đẹp nhất trong năm mới.

Hàng hóa phong phú phục vụ Tết

Từ Paris, vượt quãng đường 200 km theo đường cao tốc A10, chúng tôi đến thành phố cổ Blois, thủ phủ của tỉnh Loir-et-Cher, vùng Centre-Val de Loire, miền trung nước Pháp, nơi được mệnh danh là thành phố của vua chúa, với nhiều lâu đài nổi tiếng giống như trong truyện cổ tích, như: Blois, Chambord, Chenonceau... bên dòng sông Loire hiền hòa. Có mặt tại Siêu thị châu Á của người Việt do anh Nguyễn Khánh Dương làm chủ, chúng tôi gặp ba cặp vợ chồng anh em trong gia đình, gồm: anh Ba và chị Nguyệt, anh Tuân và chị Phương, anh Thi và chị Thủy cùng các con đang mải mê chọn lựa, mua sắm hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho gia đình để về nấu bữa cơm tất niên xum họp gia đình sau một năm làm ăn bận rộn.

Tuy hàng hóa ở đây không được phong phú như các siêu thị châu Á ở thủ đô Paris, nhưng Siêu thị châu Á ở Blois những ngày này bày bán rất nhiều loại thực phẩm phục vụ Tết đến từ Việt Nam như: mứt Tết, gạo nếp, đậu xanh, bánh đa nem, bún khô, bia Hà Nội, nước mắm Phú Quốc, rau muống, rau mồng tơi, rau thơm, rau húng…, đặc biệt là lá dong để gói bánh chưng.

Anh Nguyễn Minh Tuân cho biết: "Để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, mấy gia đình anh em chúng tôi đến đây để mua sắm những hàng hóa ngày Tết mà hồi còn nhỏ chúng tôi được bố mẹ dẫn đi mua sắm, chuẩn bị Tết. Hôm nay đến đây, chúng tôi sắm đúng như vậy; thứ nhất chúng tôi nhớ về quê hương, thứ hai để cho con cháu tôi không quên truyền thống văn hóa, nhớ về cội nguồn, quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của cha mẹ. Để mua được lá dong gói bánh, chúng tôi phải đặt trước với cửa hàng, sau đó mua đậu xanh, gạo nếp, hạt tiêu, bánh đa nem... để về chuẩn bị Tết".

Anh Nguyễn Khánh Dương, chủ Siêu thị châu Á, cho biết: "Ở Blois này, người Việt không đông như các thành phố khác, chỉ khoảng hơn 20 hộ gia đình. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, chúng tôi đã nhập nhiều hàng hóa Tết từ Việt Nam. Như các anh thấy, ở đây có đầy đủ hàng để phục vụ bà con, không chỉ người Việt ở thành phố này, mà cả ở thành phố khác đến mua. Các bạn Pháp cũng rất thích đồ châu Á, đặc biệt là đồ từ Việt Nam như: nem đóng gói, phở khô, bún khô,..."

Giữ gìn truyền thống ngày Tết của dân tộc

Đến nhà anh Ba, chúng tôi ngỡ ngàng trước cơ ngơi của vợ chồng anh chị. Đó là một khu nhà vườn rộng tới 700 m2 do anh chị tích cóp, dành dụm sau bao năm làm việc vất vả. Nhà, vườn anh tự thiết kế và xây dựng theo phong cách Việt Nam, trong vườn anh trồng nhiều loại hoa, quả, vài cây ô-liu cảnh có tuổi đời gần 100 năm.

Bước vào nhà, ai vào việc nấy, người bóc bánh chưng, người nhặt rau, người bày mâm ngũ quả, người nấu nướng... Chẳng bao lâu bữa cơm tất niên thịnh soạn được bày lên bàn với đủ món: bánh chưng, giò thủ, tôm chiên, giò lụa, nem, xôi...

Anh Nguyễn Văn Ba, quê ở Nam Định, cho biết, anh là con thứ ba trong gia đình gồm tám anh chị em, nhưng sang Pháp anh Ba được coi là "anh cả" vì anh có trách nhiệm đưa các em sang đây, làm mọi thủ tục, dìu dắt, chăm lo, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho các em. Đến nay, gia đình hai người em cũng đều khá giả, ai cũng có nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ. Riêng vợ chồng anh Ba có hai cậu con trai đều thông minh, học giỏi có tiếng, cậu lớn hiện đang làm về ngành nguyên tử của Pháp và cậu út đang theo học bác sĩ.

Anh Ba kể rằng, anh sang Pháp năm nay tròn 30 năm, ngày đặt chân đến Pháp gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, phải làm đủ nghề để sống, nuôi con ăn học. Nhờ chịu khó, sau nhiều năm lao động, gia đình anh hiện là chủ một nhà hàng Việt Nam khá nổi tiếng ngay tại chân lâu đài Blois, bán các món ăn Việt Nam .... Nhờ những món ăn Việt Nam nhiều người Pháp biết tới như: phở, nem, bò bún..., nhà hàng của anh luôn nườm nượp khách. Khi chúng tôi gọi anh là ông chủ, anh cười: "Tiếng là tôi "chủ" nhưng "tớ" gồm toàn các em mình, anh em luôn hòa thuận, đồng lòng, chỉ bảo nhau làm ăn, lãi cùng hưởng".

Không chỉ giới thiệu văn hóa ẩm thực với các bạn Pháp, khách đến với nhà hàng của anh còn tìm hiểu về đất nước Việt Nam để họ đến du lịch. Mỗi lần như vậy, anh Ba lại tận tình hướng dẫn, giới thiệu những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam cho khách.

Bên lò sưởi bập bùng, anh Ba kể: "Mỗi dịp Tết đến Xuân về, dù công việc kinh doanh bận "như con mọn", nhưng ba gia đình chúng tôi năm nào cũng vậy, cố gắng sắp xếp công việc, dành ngày nghỉ để cùng nhau quây quần tổ chức tất niên, chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên ông bà. Ngày Tết cổ truyền dân tộc là dịp các gia đình anh em quây quần bên nhau, liên hoan và chúc nhau những điều an lành, nhớ về quê hương, nhất là để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để con cháu tiếp nối, lưu giữ và phát huy".

Do múi giờ giữa Pháp và Việt Nam chênh lệch sáu giờ, vì thế ở Việt Nam đón giao thừa thì bên Pháp mới sáu giờ tối, nên năm nào vào thời khắc thiêng liêng đón giao thừa ở quê nhà anh Ba và các em cũng dành thời gian gọi điện về chúc Tết bố mẹ, anh chị em trong gia đình ở Việt Nam. Tết cũng là dịp để con cháu ở xa quê hương biết được nét truyền thống văn hóa của người Việt, để các cháu hiểu được ý nghĩa về văn hóa của người Việt Nam.

"Ngày mồng Một Tết, chúng tôi vẫn giữ nền nếp như ở Việt Nam, các em, các cháu đến nhà tôi chúc Tết, quây quần bên mâm cơm ngày Tết, phong bì đỏ lì-xì cho các cháu giống như truyền thống dân tộc", anh Ba nói.

Bên mâm cơm ngày Tết thịnh soạn giống như ở quê nhà, mọi người trò chuyện vui vẻ, chúc Tết lẫn nhau, ôn lại những việc làm được và chưa làm được để năm mới tiếp tục phấn đấu. Nhân dịp năm mới, anh Ba gửi lời chúc Tết đến bố mẹ, anh chị em, họ hàng, bà con quê nhà một năm sức khỏe và hạnh phúc.

adminbaochi

Close