Ngày 26/4/2023, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng dự lễ tang bác Huỳnh Hữu Nghiệp, một Việt kiều cốt cán của Phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp, đã từ trần ngày 13/4/3023, thọ 87 tuổi. Cùng tham dự có đông đảo Việt kiều, nhất là các bác cùng trưởng thành trong phong trào với bác Nghiệp.
Chia sẻ cùng gia đình và bạn bè, Đại sứ đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc của Đại sứ quán cũng như của cộng đồng Việt Nam tại Pháp trước sự ra đi của bác Nghiệp, một người có nhiều cống hiến cho phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp vì sự nghiệp thống nhất và hòa bình của đất nước; trân trọng tri ân với những người con của đất Việt trong cộng đồng kiều bào ta tại Pháp đã có những đóng góp lớn lao cho đất nước.
Bác Nghiệp sinh ở Tiền Giang năm 1935, sang Bordeaux (Pháp) du học từ năm 1952. Đầu năm 1953, bác đã tham gia phong trào yêu nước. Đến năm 1954, sau khi đỗ tú tài, bác chuyển đến học ở Đại học Montpellier và tham gia ban lãnh đạo của phong trào tại đây. Bác là đại diện của phong trào tại Montpellier tham gia Đại hội thành lập Liên hiệp Việt kiều năm 1956. Sau đó, khi tới Paris tiếp tục học về địa chất, bác tham gia ban lãnh đạo phong trào tại Paris, chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại của Ủy ban sinh viên chống thực dân.
Năm 1965, Tổng hội Sinh viên Việt Nam được thành lập và bác đã được bầu làm Chủ tịch và giữ chức vụ này cho đến năm 1968. Từ tháng 8 năm 1968, khi bắt đầu đàm phán tại Paris giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, bác được phong trào giới thiệu tham gia giúp phái đoàn Việt Nam với tư cách phiên dịch viên cho người phát ngôn của đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 6/1969 là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam GRP) cho đến khi Hiệp định Paris được ký đầu năm 1973.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, bác Nghiệp tiếp tục công tác trong lĩnh vực đối ngoại của GRP từ năm 1973-1975, sau đó được cử làm chuyên gia trợ lý cho Đại sứ Đinh Bá Thi, quan sát viên của GRP tại Liên hiệp quốc từ tháng 8-10/1975. Khi trở lại Paris, bác tiếp tục phụ trách báo chí của GRP cho đến khi đất nước thống nhất vào đầu năm 1976. Từ 1976-1988, bác công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp trong lĩnh vực văn hóa và báo chí.
Từ năm 1988, bác giữ chức Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp UGVF và Tổng Biên tập báo Đoàn Kết, tiếp tục quay lại các hoạt động của phong trào, lãnh đạo công ty Serepcp, một trong những cơ sở hoạt động kinh tế của Việt kiều tại Pháp, nhằm hỗ trợ nhu cầu xuất nhập khẩu của đất nước khi đang bị Mỹ bao vây, cấm vận.
Bác Nghiệp đã được Nhà nước ta trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất để ghi nhận những cống hiến và đóng góp của bác cho phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp và cho đất nước.
Lễ tang diễn ra trong không khí trang trọng trong tiếng nhạc trầm hùng của “Du kích Sông Thao”, bài hát bác Nghiệp thường nghe lúc sinh thời, để tiễn đưa một người trung thành đến cùng lý tưởng đã chọn và đi theo từ khi còn tuổi đôi mươi.